Trà là thức uống quen thuộc từ bao đời nay của người Việt Nam. Vậy nên nghệ thuật uống trà trở thành một nét độc đáo của bản sắc văn hóa trà Việt. Có nhiều sở thích thưởng thức trà khác nhau, nhưng uống trà không chỉ đơn thuần là nhấm một ngụm trà rồi đánh giá hương vị trà có đậm đà hay không, mà nghệ thuật uống trà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
1. Không gian văn hóa uống trà Việt Nam:
Người Việt Nam với bản chất linh hoạt nên đa dạng về không gian uống trà. Mọi người có thể uống một chén chè tươi mát ở bất cứ nơi nào như bên xe, ga tàu, cổng chợ một cách thật thoải mái và bình dị.
Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam không có những không gian thưởng thức trà sang trọng và cầu kỳ. Người Việt Nam thường mời khách về nhà riêng để thưởng thức trà, thể hiện sự mến khách và gần gũi, dễ hàn huyên, tâm sự.
Tùy theo từng gia đình, cấu trúc cụ thể mà vị trí góc thưởng trà có thể cố định hoặc không. Người thích không gian thoáng mát, có khí trời trong lành, mát mẻ thì ngồi bên hiên, trong sân, nơi có mái che ung dung thoải mái. Còn ai yêu cái không khí ấm áp sum vầy thì kết hợp với bàn ăn gia đình hay bàn tiếp khách cũng là vị trí lý tưởng để thưởng trà.
Chính tính linh hoạt này khiến góc thưởng trà Việt Nam không cố định hình thức, không bị đóng khung trong trà thất. Có 3 đặc tính không gian trà Việt phổ biến, đó là:
Không gian mở: mở của lòng người và mở của cung cách đón tiếp, tức là có thể tùy nghi thay đổi đem lại cấu trúc linh hoạt theo tinh thần kiến trúc hiện đại: vật liệu xanh, tiết kiệm và thuần chất.
Không gian tĩnh: uống trà không thể ồn ào, chẳng cần trà thất thâm nghiêm, nhưng phải giữ được chút lặng lẽ, tinh sạch cho tâm hồn.
Không gian mộc mạc: với những vật liệu thân thiện như tre – gỗ – gạch – gốm thì vẫn đủ độ ấm nồng hơn rất nhiều những chất liệu hiện đại mà lạnh. Chẳng cần tinh xảo chăm chút như những đầu cột khung cửa, mà cũng không đến mức quá thâm u hoài niệm hay rực rỡ sắc màu trang trí lòe loẹt.
2. Trà cụ:
Trong nghệ thuật uống trà Việt Nam, trà cụ hay dụng cụ pha trà cũng có phần cầu kỳ.
Ngày xưa, ấm pha trà hay bình trà phải làm bằng đất sét mà chu sa (màu gan gà) nhỏ, xinh xắn vừa một tuần trà. Về hình dáng, ấm có nhiều kiểu chính như: trái lê, trái cau, trái hông hay bánh xe. Chén uống trà cũng có nhiều loại: Chén Tống cao và thuôn, chén Quân thấp và rộng.
Ngày nay, nghệ thuật pha trà đơn giản hơn, không còn quá cầu kỳ. Trà cụ có thể lược bớt đi nhưng vẫn lại những cái truyền thống. Một bộ trà cụ cơ bản hiện nay bao gồm: Ấm trà, chén trà ( gồm có chén Tống, chén Quân và liễn trà),và những dụng cụ khác như khay trà, hủ đựng trà, bộ dụng cụ gắp trà, kháo trà, lọc trà và ấm đun nước.
3. Cách thức pha trà:
Việt uống trà đối với người Việt Nam rất đơn giản, chỉ cần cho trà vào ấm, tráng trà nước sôi rồi để dăm ba phút là có thể uống. Những khi được nâng lên thành nghệ thuật uống trà thì có chút cầu kỳ hơn.
Trước khi pha trà phải tráng ấm cho kỹ, tưới đều nước sôi lên những chiếc chuyên trà. Tráng ấm xong thì mới cho trà vào, múc trà bằng thìa gỗ hoặc thìa tre, không nên dùng thìa kim loại để múc trà.
Lần đầu, rót một ít nước sôi để tráng qua lớp trà rồi đổ đi xem như là rửa trà. Sau đó, rót nước sôi vào ngâm trà tầm vài phút, rồi rót hết nước trà ra chuyên, nếu muốn uống nữa thì rót thêm nước sôi vào ấm.
Việc phải rót hết nước ra rồi mới cho nước mới vào là giúp giữ cho lá trà không bị nhừ, vẫn giữ được hương vị, không bị quá nồng.
4. Cách thức uống trà:
Trong nghệ thuật uống trà, thưởng thức trà, người Việt Nam uyển chuyển, linh hoạt, không quá cầu kỳ, nhưng cũng không quá đơn giản, không quá nghi lễ, nhưng cũng không quá dân dã.
Từ xưa, các bậc tiền nhân sành về nghệ thuật uống trà đã từng nói: Trà có nhiều nước, nước đầu là nước thiếu nữ thanh khiết ngọt ngào, nước thứ hai là nước thiếu phụ, đượm đà, nồng nàn, sâu thẳm. Đó mới thật sự là nước ngon nhất còn dư vị lắng lại nơi cổ họng.
Thưởng trà phải dùng chén nhỏ để rót trà và có thể tùy theo tiết trời của bốn mùa mà dùng loại chén cho phù hợp. Người Việt thưởng trà ở mọi nơi, bất cứ ở đâu và tất cả mọi người và thể hiện văn hóa ứng xử của người Việt. Người nhỏ pha trà mời người lớn, phụ nữ pha trà mời đàn ông.
Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén, người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Khi uống trà sẽ uống từng ngụm nhỏ, nhâm nhi để cảm nhận hết vị ngọt của trà. Dâng trà và uống trà cũng thể hiện sự thanh cao, chân thành, mong muốn cho sự hòa hợp, xóa bỏ những hiềm nghi, đố kỵ. Thưởng trà là lúc để cho tâm được tĩnh lặng và bình yên.